Tăng sức mạnh xuất khẩu Việt Nam

Tăng sức mạnh xuất khẩu Việt Nam

Trong tổng kim ngạch XK 213,7 tỷ USD, phần của khối DN trong nước là hơn 58,5 tỷ USD, còn lại 155,2 tỷ USD là của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, năm 2017, XK tăng 21% nhưng khối DN FDI tăng 23%, khối DN trong nước chỉ tăng 16,2%. Trong tổng kim ngạch XK, tỷ trọng của khối DN trong nước là 27,4%, khối DN FDI tới 72,6%. Ở khía cạnh xuất siêu, khối DN FDI xuất siêu 28,8 tỷ USD, ngược lại, khối DN trong nước nhập siêu 26,2 tỷ USD.

Trên thực tế, việc đóng góp của khối DN FDI vào XK của Việt Nam hoàn toàn dễ hiểu. Khối này chiếm 50% tổng năng lực sản xuất công nghiệp. Riêng FDI từ Hàn Quốc đã chiếm 30% và trong đó Tập đoàn Sam Sung chiếm 20% với "át chủ bài" là điện thoại lắp ráp tại Việt Nam tham gia vào chuỗi phân phối toàn cầu với kim ngạch năm 2017 đạt 45 tỷ USD, bằng 93% tổng kim ngạch XK của cả nước năm 2007.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam phải thu hút FDI là tất yếu nhằm giải bài toán về vốn, kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp… để hội nhập và phát triển. Thế nhưng, cũng cần có những giải pháp đồng bộ thúc đẩy DN trong nước phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa vào kim ngạch XK.


Những nhóm giải pháp cụ thể, gồm: Thứ nhất, tạo "gương mặt" mới cho hàng XK bằng những sản phẩm với kỹ thuật - công nghệ từ trung bình trở lên, có hàm lượng giá trị gia tăng cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm tỷ lệ lắp ráp, gia công từ nguyên phụ liệu nhập khẩu; xây dựng công nghiệp nông nghiệp, ứng dụng kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình hợp tác xã dịch vụ kiểu mới, tạo nền sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - an toàn – bền vững. Thứ hai, các DN trong nước cần thúc đẩy XK, củng cố, tìm thị trường mới cho những mặt hàng có thế mạnh; nắm bắt thông tin nhất là các vấn đề ảnh hưởng đến XK như sự thay đổi chính sách của các thị trường nhập khẩu, những rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, thổi phồng khiếm khuyết của hàng Việt, khắc phục nhanh rào cản, đạt được bình đẳng trong thương mại quốc tế, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN Việt Nam trong các tranh chấp; đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại; gấp rút xây dựng thương hiệu, ưu tiên các sản phẩm có uy tín, kim ngạch lớn. Thứ ba, quản lý nhập khẩu bằng cơ chế phù hợp với cam kết quốc tế, hạn chế nhập khẩu hàng hóa vật tư, thiết bị không thiết yếu, trong nước đã sản xuất được, chấm dứt khuân về đồ thải loại; phát triển dịch vụ logistics cho trong hoạt động xuất nhập khẩu. Thứ tư, đón làn sóng có chọn lọc đầu tư nước ngoài, ưu tiên thu hút các lĩnh vực trọng điểm làm nòng cốt mở rộng phát triển nông nghiệp đẳng cấp cao; khuyến khích đầu tư vào công nghiệp phụ trợ cung ứng phụ kiện, nguyên, vật liệu cho gia công, lắp ráp, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Thứ năm, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, vận dụng sáng tạo kỹ thuật tân tiến, kỹ năng quản lý mới. Cuối cùng, tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, với mọi cấp quy mô từ siêu nhỏ đến lớn.